Chắc hẳn bộ tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai" không còn xa lạ với nhiều người. Vậy hôm nay, chamsoccaytrong mời các bạn cùng tìm hiểu cách trồng và chăm sóc cây hoa cúc – 1 trong 4 loại cây quý này.
1. Giới thiệu chung về cây hoa cúc
Hoa cúc với vô số cánh mỏng cùng sự tích vô cùng ý nghĩa được ông cha ta lấy làm biểu tượng cho sự phước lộc trường thọ. Do vậy, hoa cúc được nhiều người chọn mua vào các dịp mừng thọ hoặc đầu năm mới.
(Những bông cúc đại đóa bung nở tuyệt đẹp)
Cây hoa cúc có tên khoa học là Chrysanthemum sp. Không ai biết chính xác nguồn gốc của loại hoa yêu kiều này. Tuy nhiên hầu hết các giống cúc trồng tại nước ta từ trước đến nay có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.
Hoa cúc không rõ được du nhập vào nước ta từ khi nào và bằng con đường nào nhưng giống hoa quý này từ lâu đã chiếm được cảm tình của đa số người dân Việt Nam. Hoa cúc có nhiều đặc điểm mà các loại hoa khác khó mà có được, chẳng hạn như màu sắc đa dạng, mùi hương thoang thoảng và đặc biệt là độ tươi lâu.
Ngày nay, dường như hoa cúc là loại hoa không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp lễ Tết. Bằng chứng là cứ đến những ngày cận Tết hoa cúc được bày bán khắp mọi nơi, thậm chí còn phổ biến hơn hoa đào hoa mai. Ngày Tết nhà nhà người người chưng cúc với mong muốn loại hoa quý này sẽ mang lại sự may mắn suốt năm.
2. Cách trồng và chăm sóc hoa cúc
– Cách trồng hoa cúc:
Cúc có nhiều giống, mỗi giống lại có một đặc tính khác nhau, nhất là về môi trường sống. Có giống chịu được hạn giỏi, có giống chỉ thích nghi với nơi có khí hậu mát lạnh quanh năm. Nhiệt độ thích hợp để đa số các giống cúc phát triển tốt là từ 15 độ đến 25 độ. Nếu trồng trong vùng có nhiệt độ thích hợp thì cây không những sống khỏe mạnh mà hoa nở lại đạt yêu cầu từ độ lớn tới màu sắc.
(1 giống cúc sở hữu sắc đỏ vô cùng độc đáo)
Chính vì vậy, ở các tình miền Bắc, nhà vườn thường trồng cúc theo thời vụ. Giống nào thích hợp với loại khí hậu nào thì được trồng đúng thời vụ mới cho kết quả tốt. Trong miền Nam nhà vườn chỉ chọn giống cúc nào trồng quanh năm được.
Để cây cúc trổ bông đúng dịp Tết Nguyên Đán thì trước đó khoảng 3 tháng các bạn phải bắt tay vào việc trồng tỉa:
+ Khởi đầu từ ngày 10 tháng 9 Âm lịch, người ta tỉa chồi để giâm xuống đất (vườn ươm) và chờ khoảng 2 tuần sau để cây ra rễ.
+ Ngày 25 tháng 9 Âm lịch, cây cúc con được bứng ra khỏi vườn ươm để trồng vào các giỏ tre hay vào chậu.
+ Ngày 10 tháng 10 Âm lịch, bắt đầu ngắt đọt để cây ra nhiều tược để có nhiều hoa sau này hơn.
Đối với những loại cúc dài ngày như cúc Mâm Xôi thì các bạn phải thực hiện các bước trên sớm hơn.
– Đất trồng cúc:
Hoa cúc rất dễ trồng, dễ sống trên nhiều loại đất khác nhau. Nhưng loại đất thích hợp nhất với giống hoa này là đất mùn, đất thịt được cày xới tơi xốp. Ngoài ra, tầng đất mặt phải khá dày giúp cho bộ rê của cây hoa cúc phát triển mạnh mẽ. Nếu trồng vào vùng đất thấp thì phải lên líp và có hệ thống tưới khoa học để tránh tình trạng ngập úng cho cây hoa cúc.
(Hàng trăm đóa cúc vươn mình bung nở)
Đối với cúc trồng chậu, phải dùng loại đất thịt tơi xốp, đất cát pha hoặc đất sét pha trộn với phân hữu cơ để trồng hoa cúc. Chậu trồng cúc phải có hai lỗ thoát nước mới tốt và nên chịu khó kiểm soát thường xuyên vì nếu tắc nghẽn, nước tưới sẽ bị ứ đọng trong chậu làm thối rễ.
– Bón phân cho cây hoa cúc:
Dù trồng đại trà ngoài vườn hay trồng trong giỏ tre, trong chậu cảnh, hoa cúc cũng cần được bón lót lúc mới trồng và bón thúc nhiều lân sau mỗi kỳ ngắt đọt và trước khi cây đơm nụ hoa.
Trong thời kỳ giâm chồi, vườn ươm chỉ cần làm đất tơi xốp không cần phải bón lót mà chỉ cần tưới nước thường xuyên để đất đủ độ ẩm là được
Để bón lót cho hoa úc, nhà vườn thường dùng phân chuồng hoa mục và phân rác mục. Ngày nay nhà vườn bón thúc cho cúc bằng phân NPL cũng đem lại kết quả tốt nhất.
– Tưới nước:
Cây hoa cúc thích hợp với đất trồng khô ráo tuy nhiên vẫn phải cung cấp đủ độ ẩm cho cây. Do đó phải tưới nước đầy đủ ít nhất 1 lần 1 ngày trong mùa nắng. Lượng nước không cần quá nhiều. Nếu lượng nước tưới dư thừa không thoát hết ra ngoài có thể làm cho dễ bị úng thối, cây sẽ vàng lá rồi héo rũ dần.